Phóng Sự Tận thấy đời sống nguyên thủy ở chốn 'bầy đàn' Đa Cấp

(VTC News) – Đằng sau nhưng bộ quần áo chỉn chu, lịch sự của những nhân viên bán hàng đa cấp là một cuộc sống khác – cuộc sống “bầy đàn”, chung đụng của nhiều chục con người trong một căn phòng trọ dột nát, hôi hám, bẩn thỉu…



Chúng tôi đã từng không ít lần tận mắt chứng kiến những buổi nói chuyện trong các hội thảo về kinh doanh đa cấp, thậm chí đã từng là đối tượng được mời chào mua các sản phẩm của các nhân viên bán hàng đa cấp. 

Ấn tượng của chúng tôi về những con người này cũng thật đặc biệt: Họ ăn mặc rất chỉn chu, lịch sự, nói năng lưu loát, thuyết phục, thậm chí có sức mê hoặc, “thôi miên” người khác. Chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng khi họ giới thiệu về mức thu nhập siêu “khủng” lên tới hàng nghìn đô la một tháng. 

Có lẽ nếu như không “đột nhập” vào vương quốc đa cấp ấy, chúng tôi cũng sẽ vẫn bị ngộ nhận về sự bóng bẩy, giàu sang mà nghề này đem lại…

Thu nhập nghìn đô?

Có mặt tại xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào một chiều đầu mùa hè oi bức, trong vai những sinh viên mới ra trường đi tìm việc làm, chúng tôi dò hỏi người dân và ngỏ ý muốn được xin vào làm việc tại công ty Lô Hội – Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Căn phòng trọ lụp xụp của dân bán hàng đa cấp tại Thái Bình 

Vừa thấy chúng tôi đặt vấn đề, một chị bán thuốc ngay sát trụ sở của công ty Lô Hội liền can ngăn: “Chị nói thật, tìm việc tử tế mà làm. Lô Hội là bọn kinh doanh đa cấp, chuyên đi lừa đảo người khác. Mà giờ dân ở đây biết hết rồi, cũng không lừa được ai đâu”.

Dân kinh doanh đa cấp tinh ý và cẩn trọng lắm. Vì thế không quen biết mà sống chung được ngay với họ là rất khó khăn. 

Lái xe ôm tên Tuấn
Thấy chúng tôi vẫn quyết tâm xin làm, chị này tiếp: “Em tưởng kiếm tiền dễ lắm à. Nhà chị có phòng cho người Lô Hội thuê, chúng nó sống khổ lắm, ăn mặc ra đường bảnh bao thế thôi, chứ về phòng trọ ở như “bầy đàn”, mấy chục đứa chen nhau cái phòng 30 chục m2. Nóng bức thế này, bọn em chịu sao nổi”.

Có lẽ cùng “ở trong chăn” lâu ngày, nên chị bán thuốc nắm rất rõ tình hình của các nhân viên đa cấp này và vì vậy nhất quyết can ngăn chúng tôi không nên gia nhập nghề này.

Phải rất khó khăn, sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi mới được một bác xe ôm tên Tuấn nhận làm người quen dẫn đi để xin gia nhập công ty. 

Theo bác Tuấn, dân kinh doanh đa cấp tinh ý và cẩn trọng lắm. Vì thế không quen biết mà sống chung được ngay với họ là rất khó khăn. Bác Tuấn nhấc điện thoại gọi cho một nhân viên tên Hạnh, nói có đứa cháu họ không có việc làm, muốn theo nghề của Hạnh. 

Tuy nhiên, phải thuyết phục rất lâu, Hạnh mới đồng ý gặp mặt để xem thế nào đã rồi mới trả lời có giúp đỡ hay không. Chúng tôi đợi chừng 15 phút thì Hạnh và một anh bạn trai xuất hiện. Hạnh nhỏ nhắn, gầy bé, cao tầm 1m50, nói sinh năm 1989 và quê ở Nghệ An. 

Qua lời kể thì Hạnh mới tham gia mô hình đa cấp được hơn 1 năm và mức lương hiện tại của cô là 20 triệu đồng/tháng. Nhìn Hạnh vẫn còn khá trẻ, nhưng cách cư xử và nói năng thì lại rất có kinh nghiệm.

“Làm nghề này nếu để có tiền luôn thì chị khẳng định là không có. Như chị phải làm hơn 1 năm rồi, lương mới được 20 triệu đồng/tháng. Phải làm từ từ để tích lũy kinh nghiệm. Sau khi thành thạo rồi thì mới có thu nhập”, Hạnh nói.

Thấy tôi thất vọng, Hạnh liền động viên: “Chị nói như vậy để em biết mà chuẩn bị tiền trước. Còn sau này em thành nghề rồi thì có khi thu nhập vài nghìn đô la một tháng là bình thường. Ở công ty chị, có những anh lên hàm quản lý, thu nhập gần trăm triệu đồng một tháng là bình thường”.

Mặc dù rất muốn giúp đỡ chúng tôi, nhưng vì là người lạ, không có ai dẫn “mối” nên cô gái nhất định chưa cho chúng tôi về “đại bản doanh” với lý do: “Chỗ chị sống đông người, có sinh hoạt và kỷ luật nghiêm ngặt. Em là người thế nào, chị còn chưa biết nên không thể tự ý đưa về được. Sáng mai em đợi chị ở đây, chị đưa qua công ty, làm hợp đồng xong thì chị sẽ dẫn em về phòng chị”.

Nói xong, Hạnh quay sang anh bạn đi cùng rồi bảo anh này tìm một nhà trọ gần đây để cho chúng tôi ngủ tạm qua đêm. 

Giống như Hạnh, mặc dù được bác xe ôm giới thiệu là người quen, nhưng rất nhiều các quản lý của các phòng trọ khác cũng thẳng thừng từ chối, không cho chúng tôi gia nhập nhóm khi chưa làm hợp đồng với công ty.

Phải qua gần chục phòng trọ như vậy, chúng tôi mới may mắn được chấp nhận cho vào ăn cùng, ở cùng với một nhóm học viên của công ty Lô Hội.

Tuy nhiên, điều kiện là tắt điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác, phòng trường hợp ghi âm, ghi hình hoặc có ý đồ xấu. Đồng thời luôn có ít nhất 2 học viên thường xuyên để mắt tới chúng tôi. Vì vậy nhất cử nhất động của chúng tôi đều bị theo dõi.

Bữa cơm 3.500 đồngĐúng như những gì chị bán thuốc nói, đó là một phòng trọ rộng khoảng 35 m2, nằm biệt lập ngay sát cánh đồng. Trong đó, 25 m2 là phòng ngủ, còn 10 m2 là nhà vệ sinh và khu cất đồ. 

Phòng trọ dành cho hàng chục người nên quần áo được giăng đầy sân 

Bếp thì là một khu đất trống, lợp mái tôn, không cửa, chỉ có bếp kiềng sắt, một đống củi khô, một chiếc nồi to như nồi nấu cám lợn, màu đen, cáu bẩn. Bên cạnh là mấy cái nồi nhỏ hơn và một cái chảo đã gãy một quai cầm.

Phòng trọ dành cho hàng chục người nên quần áo được giăng đầy sân 
Căn phòng 35 m2, nhưng theo anh R., quản lý nhóm học viên trong phòng trọ này thì quân số của phòng là 39 người, thêm tôi nữa là 40 người.

Cũng theo anh R., vì phòng chật nên phải hết sức gọn gàng. Cả phòng ngoài không hề có một đồ đạc nào được bày ra, ngay cả một manh chiếu để ngồi cũng không có. Hoàn toàn là một sàn nhà trống trơn. Nếu không nhìn thấy người, tôi sẽ tưởng là phòng trống, chưa có ai thuê.

Sinh hoạt hàng ngày của nhóm cũng được phân công rất rõ ràng. Mỗi ngày 3 người, 1 người đi chợ, 2 người nấu cơm, rửa bát. Mỗi ngày mỗi người đóng 7.000 đồng tiền ăn. Như vậy, tính ra, mỗi bữa mỗi người chỉ mất 3.500 đồng. Người đi chợ cầm tiền và chi tiêu sao cho hợp lý để đủ suất ăn cho mọi người.

Riêng tôi, là người mới đến, chưa được chính thức gia nhập nhóm, nên được “chiêu đãi” một bữa đầu tiên.

Quote:
Làm đa cấp, tinh thần đoàn kết phải cao, nên có gì mà bất tiện. Sống chung như vậy mới vui. 

Quản lý phòng trọ tên R.
Do đến xóm trọ vào lúc 5 giờ chiều, nên trong phòng chỉ có khoảng 15 – 16 người. Mọi người đều còn rất trẻ, đa số sinh năm 1990 – 1992, đến từ Thanh Hóa và Nghệ An. Dù là người lạ phải cảnh giác, nhưng mọi người đều đón tiếp rất vui vẻ. 

Một người tên Nam, tự giới thiệu là đã tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp, cũng là người được phân công nhiệm vụ giám sát tôi cho biết, cậu ra trường được hơn 1 năm. Nhiều công ty lớn ở Hà Nội mời gọi, nhưng Nam từ chối về đây làm vì tuy lúc đầu thu nhập có thể thấp hơn công ty ở Hà Nội, nhưng đến nay lương anh đã “ăn đứt” mấy đứa cùng lớp.

“Không chỉ thu nhập cao, bán hàng đa cấp còn rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp, ứng xử và kiến thức nữa. Chỉ cần một thời gian đào tạo, em sẽ trưởng thành hơn hẳn so với khi em làm nghề khác”, cậu nói.

Những người khác không phải nấu cơm thì đứng túm tụm lại để nói chuyện gì đó. Tôi không nghe rõ nhưng thấy họ cười nói rất vui vẻ.

Lấy lý do xuống bếp cho đỡ buồn tay chân, tôi được anh Nam dẫn xuống giới thiệu với hai bạn tên Thơm và Hường. Nếu như trên phòng trọ tuy chật chội nhưng sạch sẽ, khu bếp lại khá dơ bẩn. Nền bếp bằng đất, nhưng do tàn tro của củi và nước rửa vung vãi khắp nơi nên ẩm thấp, nhão nhoét và đặc biệt là một mùi hăng hắc, rất nồng xộc vào mũi, rất khó chịu.

Theo bạn gái tên Hường, do ở đây người ta ít dùng than, nên đun củi cho tiện. Mùa đông trời lạnh, đun củi rất ấm. Còn mùa hè, đun nấu ngoài trời, nên cũng không nóng lắm.

Tôi được phân công ngồi nhặt 1 rổ rau cải lớn, chắc ít nhất cũng phải 5 kg. Số rau cải này sau khi rửa sạch sẽ được cho vào chiếc nồi to như nồi cám lợn để luộc chín. Ngoài rau, bữa cơm hôm nay tôi được ăn còn có thêm món cá kho và canh cải.

Khoảng tầm hơn 6 giờ thì mọi người gần như tập trung đông đủ. Do chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh, nên cứ khoảng 4 – 5 người tắm một lần và chia làm vài đợt như vậy. Nam tắm với nam, nữ với nữ.

Tôi hỏi “Ở chung như vậy có bất tiện quá không”, anh R. liền cười nói: “Làm đa cấp, tinh thần đoàn kết phải cao, nên có gì mà bất tiện. Sống chung như vậy mới vui”.

Đến khoảng 7 giờ tối thì mọi người bắt đầu ngồi vào mâm ăn cơm. Cứ 6 – 7 người một mâm và ngồi 1 góc ăn.

Bữa cơm rất xuề xòa, chỉ có 3 món. Trong đó món cá kho, thực chất chỉ toàn là đầu cá biển, chứ không hề có phần mình và phần đuôi. Tôi định hỏi “Ăn như này có đủ chất không?”, nhưng nghĩ lại với số tiền 3.500 đồng/bữa thì chi tiêu như vậy là quá giỏi rồi. Tính ra khoảng 40 con người, tức là chi phí tất cả cũng chỉ hết 140.000 đồng, bằng 1 ngày ăn của gia đình 3 người ở Hà Nội.

Tuy bữa ăn đạm bạc, nhưng mọi người nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Tôi là người mới, nên được sự chăm sóc đặc biệt, ai cũng gắp đồ ăn cho. 

Cũng may, bữa tôi ăn món chủ đạo là cá kho. Tuy nhiên, theo Tuấn, lái xe ôm, do không có tiền chi trả cuộc sống hàng ngày, nên nhiều học viên ở Lô Hội thường xuyên đi bắt chuột, ếch nhái để ăn. 

“Cháu không tin, mai chú dẫn ra đồng xem chúng nó bắt chuột”, bác Tuấn nói.

Ăn xong, theo đúng quy định, Hường và Thơm đi rửa bát, còn những bạn gái khác trong phòng thì đi lau nhà và giặt quần áo. 

Đến tầm 8 giờ, tất cả các thành viên trong phòng đều tập trung lại và tham gia và buổi sinh hoạt chung. Anh R. bắt đầu bằng bài trao đổi nghiệp vụ, hướng dẫn mọi người làm thế nào để lôi kéo được những người khác. 

Ấn tượng nhất có lẽ là phần anh R. giảng giải về chức năng, công dụng của các loại thực phẩm chức năng. Anh nói: “Mỗi người phải như một vị bác sỹ và bắt bệnh, kê đơn cho các khách hàng của mình”. Và quả thực anh đúng là một bác sỹ đa khoa, các loại thuốc anh giới thiệu đều thuộc loại thần dược, chữa được bách bệnh.

Sau đó, tất cả mọi người cùng chơi trò chơi vui vẻ. Đến khoảng 9 rưỡi tối, là khoảng thời gian mà mỗi người được hoạt động riêng lẻ, tự do làm các công việc cá nhân.

Theo anh Nam, đã tham gia vào nhóm thì nhất định phải ăn chung, ở chung và ngủ chung. Như vậy mới đoàn kết, không bị chia rẽ, lung lay ý chí.

Ở chung, ăn chung và tắm chung, tôi đã đều được chứng kiến. Nhưng có lẽ điều khiến tôi “sốc” nhất là “ngủ chung”. Cả phòng có 40 người thì 19 người là nam, 21 người là nữ. Nhiều câu chuyện vừa bi hài, vừa trần trụi, vừa lạ, vừa rất con người như thời nguyên thủy đã diễn ra ngay trước mắt tôi….


Kỳ tới: Bầy đàn kinh doanh đa cấp: 'Yêu' tự nhiên như thời nguyên thủy
Sống bầy đàn nên các bạn trẻ tham gia đường dây kinh doanh đa cấp cơ cực trăm bề, đến chuyện 'yêu' cũng như thời nguyên thủy. Mời độc giả đón đọc vào sáng mai.
Nhóm PV điều tra

'Bầy đàn' bán hàng đa cấp: 
'Yêu' như thời nguyên thủy

(VTC News) – Sống quần thể nên các bạn trẻ tham gia đường dây kinh doanh đa cấp cơ cực trăm bề, đến chuyện 'yêu' cũng như thời nguyên thủy, diễn ra trước hàng chục cặp mắt nhìn.

“Yêu” giữa mọi người
Sau khi sinh hoạt tập thể xong, mọi người được tự do làm việc cá nhân của mình. Nhóm của tôi có 21 nam và 19 nữ (trong đó có cả tôi) thì hầu như người nào cũng là đôi, là cặp với nhau ở trong phòng. 

Anh R. vừa nói chấm dứt trò chơi tập thể, thì rất nhanh chóng, trên các manh chiếu hình thành các đôi riêng lẻ, ngồi sát nhau. Có đôi thì ra ngoài đi dạo, nhưng cũng rất nhiều đôi thì ngồi “tâm sự” ngay trong phòng. 

Căn phòng chật hẹp, vì vậy tất cả các hành động “tế nhị” nhất đều được diễn ra tự nhiên như chỉ có 2 người.

Ngay sát sau lưng tôi là một cặp đôi còn rất trẻ, chắc là trẻ nhất phòng vì 2 đứa đều mới chỉ 18 tuổi, hôn hít và sờ soạng nhau rất tự nhiên. Những tiếng xì xào to nhỏ, cười đùa rúc rích râm ran khắp phòng.

Giữa thế kỷ 21, nhưng tại đây, ngay cạnh thành phố văn minh, ồn ào, náo nhiệt, họ vẫn ăn ở và “hành sự” theo kiểu “bầy đàn”. Lòng tôi chợt dâng lên cảm xúc cảm thương khó tả.
Phía góc trong cùng, trên một tấm phản gỗ là cặp đôi của anh quản lý R.. Do là người đứng đầu phòng nên cặp đôi của anh được một không gian rộng nhất là cả chiếc phản mét rưỡi. Cô gái úp lưng vào góc tường, nên chỉ nhìn thấy anh quản lý đang ôm chặt cô gái vào lòng.

Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, mặt đỏ lên vì xấu hổ, Thơm – cô bạn được phân công giám sát tôi liền kéo ra ngoài cửa hóng gió.

“Chuyện bình thường mà. Ai cũng thế. Bạn cũng thấy rồi còn gì. Ai làm việc người nấy, mình không có ai thì ra ngoài hiên”, Thơm nói nhỏ vào tai tôi.

Điều lạ là trong phòng có bao nhiêu cặp thì hầu như đều tự dưng thành các đôi yêu nhau. Cũng như một sự sắp đặt tự nhiên bình thường. Lúc ăn cơm tôi đều thấy họ vô tư, vui vẻ, nghĩ họ là những người bạn. Nhưng hóa ra không phải.

Một số bạn nữ thì mau chóng vào nhà tắm thay đồ, mặc váy ngắn, trang điểm phấn son lòe loẹt rồi cầm điện thoại gọi cho các lái xe ôm đến đón. Tôi không chắc họ đi đâu, nhưng cả đêm không thấy ai về.

Sau khi ăn cơm xong, các đôi cứ thế chia cặp làm việc riêng. 

Tôi nhớ lại lời bác xe ôm nói khi chở tôi đến đây: “Nhiều cô không có tiền để sống, bố mẹ nghèo không chu cấp mãi được thì tối đến phải “đi khách” để kiếm tiền nuôi thân. Tối nào chú cũng chở vài ba cô nên biết rõ chuyện này”.

Bố mẹ bán cả trâu, về quê xấu hổ lắm!Lúc đầu tôi và Thơm chỉ toàn nói chuyện công việc vì Thơm rất kín tiếng, hơn nữa nếu nói lung tung sẽ bị anh quản lý mắng, nên Thơm gần như chỉ đặt câu hỏi, còn tôi thì trả lời. Sau hiểu nhau hơn, Thơm bắt đầu kể chuyện về mình.

Thơm nói sinh năm 1989, quê ở Thanh Hóa. Thơm mới ra đây được gần 5 tháng nên công việc chủ yếu vẫn là học hỏi, thực hành, chứ chưa thể kiếm được tiền nuôi bản thân. 

Trót đâm lao phải theo lao thôi. Giờ không lôi kéo được ai thì cũng không có tiền, nên đành rủ rê mấy đứa em họ. Ở đây, mọi người toàn kéo bạn bè, người thân đến thôi.
Nhân viên bán hàng tên Thơm
Nhà Thơm nghèo lắm, Thơm cũng mới chỉ học hết lớp 10 rồi ở nhà phụ giúp đồng áng cho bố mẹ. Sau đó, thấy Thúy – bạn cùng lớp với Thơm lên Thái Bình bán hàng đa cấp về “đổi đời” hẳn, ăn mặc lịch sự, đi xe ga, còn có cả điện thoại xịn. Đặc biệt, Thúy nói với bố mẹ Thơm là thu nhập mỗi tháng cũng ngót 20 triệu đồng.

“Bố mẹ mình nghe vậy mừng lắm. Nhờ Thúy giúp đỡ, dẫn dắt mình thành nghề. Để có tiền ra đây, bố mình phải bán 1 con trâu và cả đàn lợn. Giờ mỗi tháng vẫn phải cố gửi ra cho mình 500.000 đồng để chi trả cuộc sống”, Thơm tâm sự.
Nhìn xa xăm vào khoảng tối trước mặt, khuôn mặt Thơm buồn rầu, khác hẳn với khi nãy, trước mặt các bạn của cô.

Rồi Thơm ngó nhìn xung quanh, thấy các cặp đôi vẫn đang say sưa “tâm sự”, cô bạn kéo tôi ngồi lại gần hơn rồi nói: “Nghề này cũng cực lắm bạn ạ. Nhiều khi muốn bỏ về nhưng giấy tờ tùy thân của mình bên Lô Hội họ cầm. Hơn nữa, bố mẹ bán trâu, lợn đi cho tiền ăn học, mà giờ về tay không thì xấu hổ với làng xóm lắm”.

Được biết, ngoài số tiền ký hợp đồng mua sản phẩm với công ty trị giá 7 triệu đồng, thì những ai tham gia đều phải nộp lại giấy tờ tùy thân cho người quản lý, tránh trường hợp bỏ trốn.

Cũng theo Thơm, mọi người ở đây đều sống xa nhà, không bạn bè, thiếu thốn tình cảm, trai gái lại ở chung, nên chỉ một thời gian ngắn là tự dưng có tình cảm với nhau. Có những đôi, tuần trước chưa biết gì nhau, tuần sau đã thành một cặp.

Quần áo mùa đông của gần bốn chục người được xếp xó lẫn lộn 
"Thấy các đôi “hành sự” tự nhiên quá, tôi vờ hỏi: “Nhưng thế này nhỡ có bầu thì sao?”. Thơm liếc nhìn xung quanh rồi ghé sát vào tai tôi kể: “Nhiều chứ, anh quản lý cặp với cô này là cô thứ tư trong phòng rồi. 3 cô trước đều có bầu, phải đi phá thai”.

Nghe Thơm nói, tôi chợt sởn da gà. Giữa thế kỷ 21, nhưng tại đây, ngay cạnh thành phố văn minh, ồn ào, náo nhiệt, họ vẫn ăn ở và “hành sự” theo kiểu “bầy đàn”. Lòng tôi chợt dâng lên cảm xúc cảm thương khó tả.

Dòng suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại của Thơm. Bố mẹ cô gọi. Không nghe rõ từng câu chuyện, tôi chỉ thấy Thơm liến thoắng: “Ở đây vui lắm, các anh chị hướng dẫn nhiệt tình. Chỗ ăn ở đều ở khách sạn của công ty. Con vẫn khỏe, tăng cân nữa. Hôm nào về quê con kéo thêm mấy đứa em họ nhà mình cùng lên. Bố mẹ báo cho bố mẹ tụi nó trước nhé”.

Cúp điện thoại, quay sang tôi, mắt Thơm lại buồn bã: “Trót đâm lao phải theo lao thôi. Giờ không lôi kéo được ai thì cũng không có tiền, nên đành rủ rê mấy đứa em họ. Ở đây, mọi người toàn kéo bạn bè, người thân đến thôi”.

Ngồi nghe Thơm tâm sự mà lòng tôi nặng trĩu. Thì ra, "vương quốc mỹ miều” của dân đa cấp là đây sao? Cả bốn chục con người cùng chung sống. Ở mỗi tháng hết 100.000 đồng, ăn cũng chỉ tầm 250.000 đồng/tháng.
Điều chua xót hơn là cuộc sống kham khổ, nhưng ở nơi quê nhà, gia đình vẫn nuôi một hy vọng về một cuộc sống sung túc, giàu sang. Và nhiều vùng quê, người ta vẫn cho con ra ngoài này học.

Dân số của thôn Minh Quàn, xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình chỉ có 600 nhân khẩu, trong khi số người của Công ty TNHH TM Lô Hội cư trú tại đây lên tới 1.000 người, gần gấp đôi dân số của cả thôn. 

Và có lẽ câu nói của bác xe ôm đã thay cho lời lý giải: “Dân ở đây biết đa cấp là thế nào rồi, nên không ai cho con em tham gia. Chỉ có người miền trong, chưa biết gì nên mới đua nhau ra ngoài này thuê trọ thôi”.
Trò chuyện với Thơm đến khoảng 10 giờ 30 thì đèn điện bắt đầu tắt. Trong phòng chỉ còn ánh đèn ngủ màu đỏ mờ ảo. Thơm đứng dậy phủi bụi sau quần rồi giọng nói vui vẻ trở lại bảo tôi đã đến giờ đi ngủ rồi.

Giường ngủ trong phòng cũng được phân cấp rất rõ rệt. Người quản lý được nằm phản gỗ, những người làm lâu năm hơn một chút thì nằm chiếu. Còn những người mới như tôi và Thơm thì nằm trên mảnh bạt.

Tuy cả phòng có hàng chục người, nhưng một số đôi vẫn nằm ôm nhau riêng trên một chiếc chiếu 2 m2. Những cặp khác không nằm chung thì tự động chia chiếu làm 2 dãy đối xứng nhau.

Không biết do lạ nhà hay do những tiếng động khe khẽ, rúc rích trong đêm tối mà tôi không tài nào chợp mắt được. 

Thấy tôi chưa ngủ, Thơm quay sang ghé sát tai tôi thì thầm: “Không ngủ thì cũng nhắm mắt vào, đừng có nhìn vào những cặp đôi đang đắp chăn ở góc tường. Họ đang “làm việc”, mình mà nhìn là bị lườm đấy”.

Cả đêm những tiếng ngáy ngủ, tiếng trở mình, tiếng đập chân vào nhau đen đép, rồi cả âm thanh hôn hít của một vài cặp đôi khiến tôi suy nghĩ mông lung, buồn tê tái.

Cũng là những người trẻ như tôi mà sao họ cơ cực đến vậy. Cuộc sống nơi đây có được coi là cuộc sống của con người? Nếu nhìn thấy cảnh này, bố mẹ họ sẽ đau đớn đến thế nào. Họ vẫn nghĩ con mình đang học nghề hoặc có công ăn việc làm tử tế.

Bất giác nghĩ đến những kẻ đã đưa họ vào chốn cùng cực này, lòng tôi dâng trào cảm giác căm phẫn và ghê tởm...

Kỳ tới: Bệnh thèm đàn ông ở 'vương quốc bầy đàn' đa cấp
Ăn chung, ngủ chung và chứng kiến nhiều cảnh “nóng” giữa các cặp đôi đã khiến cho nhiều cô gái trẻ phải cấp cứu vì bệnh thèm đàn ông. Mời độc giả đón đọc vào sáng mai trên VTC News.
Nhóm PV điều tra






P/s : Đây là ảnh của thành viên bên f17 up lên trong 1 thớp đa cấp .


khóc - gào - Thét - rồi ngất trong bài diễn thuyết kinh doanh đa cấp

Share this:

CONVERSATION

0 nhận xét:

Đăng nhận xét